Định hướng phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2011-2020 của Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu quan trọng là phấn đấu đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ chiếm 40% thị phần phân phối.

Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Quan điểm phát triển thị trường trong nước từ 2011-2020 sẽ bám sát các tiêu chí sau: đầu tiên là tập trung phát triển hệ thống phân phối sâu rộng lên khắp các tỉnh thành trong cả nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế cùng phát triển, đặc biệt chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tiếp đến là tạo mối liên kết để hình thành các tập đoàn kinh tế lớn cho hệ thống phân phối. Đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng thương mại để thúc đẩy thị trường trong nước và cuối cùng là mở cửa thị trường bán lẻ theo lộ trình đã cam kết khi gia nhập WTO.
Theo báo cáo nghiên cứu về thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2014 của Tổ chức tư vấn AT Kearney (Mỹ), thị trường bán lẻ Việt Nam - một thị trường đang phát triển với gần 90 triệu dân - được coi có mức tăng trưởng rất hấp dẫn (đến 23%/năm). Ở thời điểm này, dù mức tăng trưởng thực tế không cao đến như vậy nhưng hàng loạt nhà đầu tư ngoại đã và đang tiếp tục hành trình thâm nhập và chinh phục thị trường Việt Nam. Đâu là “đấu pháp” của các doanh nghiệp Việt trước làn sóng này?

 
 
 
Những đối thủ đáng gờm ...

Chuyện các tập đoàn bán lẻ “cá mập” thâm nhập thị trường Việt Nam là một xu thế đang diễn ra và không thể ngăn cản được, vì Việt Nam đã hội nhập, mở cửa. Nhìn từ phía các doanh nghiệp Việt, chắc chắn sự xuất hiện của những đối thủ đáng gờm này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay: kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đang đình trệ.
Tại sao bất động sản có liên quan? Vì trước khi thị trường này bị đóng băng thì các nhà bán lẻ  có thể đi thuê mặt bằng khá dễ dàng, nhờ đó không phải đầu tư vốn lớn cho khâu này. Nhưng bây giờ tình hình đã khác. Áp lực thanh khoản khiến các nhà kinh doanh bất động sản có xu hướng không muốn cho thuê mà bán đứt tài sản để trả nợ cho ngân hàng. Do đó các nhà bán lẻ Việt Nam đang phải đối diện với áp lực vốn rất lớn so với trước đây để thu xếp mặt bằng. Nói cách khác, trước đây chúng tôi không phải ra vốn nhiều cho phần cứng, nhưng bây giờ phải ra vốn cho cả phần cứng lẫn phần mềm. Trong khi đó, các nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính dồi dào hơn; khi cần vốn họ có thể huy động được nguồn vốn ở nước họ với lãi suất rất thấp, thấp hơn mặt bằng lãi suất ở Việt Nam nhiều.
Mỗi doanh nghiệp phải chọn cho mình một chiến lược với những giải pháp  phù hợp, căn cứ vào mục tiêu, tôn chỉ riêng. Hợp tác với nước ngoài hay không, nếu có thì hợp tác trong lĩnh vực nào và đến đâu? Phải nói thẳng là các tập đoàn bán lẻ trên thế giới với quy mô về vốn liếng, tiềm năng về công nghệ và kinh nghiệm thương trường dạn dày hàng chục, hàng trăm năm luôn luôn có nhiều lợi thế hơn và sẵn sàng nuốt chửng “ông bạn đường” nhỏ bé, nếu mình không đủ sức song hành với họ trong một chặng đường dài. Tóm lại phải lượng sức mà hoạch định chiến lược đề kháng; đặc biệt là phải khéo léo chọn bạn mà chơi!
Từ tháng 1/2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ được mở cửa hoàn toàn. Giờ G đang đến gần, hàng loạt đại gia bán lẻ ngoại đã đổ bộ vào Việt Nam và lên những kế hoạch "khủng" để thâu tóm thị trường.
Trong số này, có một "cá mập" đến từ Nhật Bản là Aeon. Trong lĩnh vực bán lẻ thì Aeon không chỉ mạnh về tiềm lực tài chính, thương hiệu, mà còn có mối quan hệ với các đối tác lớn. Khi họ đã vào Việt Nam sẽ là đối thủ đáng gờm của nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước.
Có mặt ở thị trường Việt Nam từ năm 2011, nhưng mãi đến tháng 1/2014, Aeon mới có trung tâm mua sắm đầu tiên tại TP.HCM với số vốn đầu tư 100 triệu USD. Aeon đang tìm mọi cách biến Việt Nam thành "miếng bánh" sinh lời dựa trên phương thức thu hút khách hàng Việt bằng dịch vụ của người Nhật. 1/3 số lượng hàng hóa được cung cấp sẽ có xuất xứ từ Nhật Bản, 1/3 là hàng Việt Nam và phần còn lại có nguồn gốc khác. Người tiêu dùng Việt Nam vốn rất ưa chuộng hàng Nhật và đây là thế mạnh của Aeon, khiến nhiều đối thủ khác phải lo ngại.
Aeon cho biết, sẽ tiếp tục mở thêm trung tâm mua sắm ở Bình Dương vào tháng 10/2014 và năm 2015 sẽ mở ở Hà Nội. Dự kiến đến năm 2020, tập đoàn sẽ có khoảng 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam.
 
Một con "cá mập" khác của Hàn Quốc là Lotte vào Việt Nam từ 2007, thời gian qua đã chuẩn bị kỹ lưỡng để 2014 bung ra mạnh mẽ. Năm 2008, Lotte mới khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại quận 7 (TP.HCM) thì đến cuối 2013, con số này đã tăng lên 6. Doanh số năm 2013 của Lotte tại thị trường Việt Nam là 2.540 tỷ đồng.
 
Capture-(1).JPG
Doanh số năm 2013 của Lotte tại thị trường Việt Nam là 2.540 tỷ đồng
 
So với các đại gia bán lẻ khác như Big C, Metro Cash & Carry, quy mô và mức độ chuyên nghiệp của Lotte chưa bằng, tuy nhiên, năm 2011, giới kinh doanh bán lẻ thế giới chứng kiến hai "gã khổng lồ" Wal-Mart (Mỹ) và Carrefour (Pháp) phải rút khỏi thị trường Hàn Quốc vì không cạnh tranh nổi với Lotte vốn có khả năng xoay sở nhanh và hiểu rõ thị hiếu tiêu dùng của người Hàn Quốc. Điều này càng giúp Lotte Mart thêm tự tin để thâm nhập thị trường Việt Nam.
 
Theo kế hoạch, riêng năm 2014, Lotte sẽ khai trương 6 trung tâm thương mại mới tại Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ... với vốn đầu tư từ 30-40 triệu USD mỗi cơ sở. Mục tiêu của Lotte tại thị trường Việt Nam là đến 2020 mở 60 trung tâm thương mại.
 
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, Wal-Mart (Mỹ) mới đây cũng khẳng định sẽ đầu tư mở hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Wall-Mart không chỉ đón đầu thị trường bán lẻ vào năm 2015 mà chuẩn bị để khai thác lợi thế của nhà nhập khẩu khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với hệ thống siêu thị toàn cầu, mỗi năm Wall-Mart tiêu thụ khoảng 40 tỷ USD hàng từ Trung Quốc. Nếu vào Việt Nam, sẽ là đối thủ lớn của các nhà bán lẻ khác.
 
Capture-1.JPG
Thị trường Việt Nam - Sân chơi của các 'cá mập' bán lẻ (2)
Wall-Mart không chỉ đón đầu thị trường bán lẻ vào năm 2015 mà chuẩn bị để khai thác lợi thế của nhà nhập khẩu khi Việt Nam tham gia TPP
 
Chiến thuật mà Wal-Mart áp dụng muôn năm cũ nhưng hiệu quả lúc nào cũng mới. Bởi chính sách ấy không bao giờ là cũ đối với khách hàng, đó là giảm giá, giảm giá và giảm giá hơn nữa. Wal-Mart nổi tiếng là bán hàng giá hạ, nhắm vào người tiêu thụ thuộc giới ít tiền. Bằng thực tế bán hàng, tập đoàn này khiến người ta dần hiểu rằng, không việc gì phải đi mua giấy lau tay hoặc bột giặt ở một tiệm sang trọng, trong khi tới Wal-Mart giá rẻ hơn mà hàng hóa vẫn như nhau. Với cách làm này hiện nay giới trung lưu cũng "xuống" mua ở Wal-Mart để tiết kiệm.
 
Tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Thái Lan, Central Group cũng chuẩn bị khai trương chuỗi siêu thị Robinsons Department Store ở Hà Nội trong tháng 3/2014. Chi nhánh quốc tế đầu tiên của tập đoàn tại Hà Nội được đặt tại khu mua sắm giải trí nổi tiếng Royal City với diện tích 10.000m2. Dự kiến Central Group sẽ mở chuỗi siêu thị thứ hai tại TP.HCM vào cuối năm 2014. Hai chuỗi siêu thị này dự kiến sẽ cần khoảng 1.000 nhân viên.
 
Đấy là chưa kể tập đoàn bán lẻ Fairprice của Singapore cũng đã nắm tới 35% vốn tại một đại siêu thị TP.HCM và tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) cũng tuyên bố đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm.
 
Cuộc chiến khốc liệt
 
Ngoài ra, tại thị trường Việt Nam còn phải kể đến 2 "cá mập" cỡ bự khác là Big C và Metro Cash&Carry. Big C mặc dù đã có 24 siêu thị trên cả nước, nhưng vẫn không ngừng mở rộng chuỗi.
 
Không tiết lộ cụ thể số siêu thị mở mới hàng năm, song đại diện Big C Việt Nam nói rằng sẽ không hạn chế số lượng nếu có mặt bằng tốt. Metro Cash&Carry cũng tương tự, hiện có khoảng 19 siêu thị, nhưng tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng với các địa điểm đẹp cùng giá cả rẻ chất lượng phục vụ tốt.
 
Capture-2.JPG
Thị trường Việt Nam - Sân chơi của các 'cá mập' bán lẻ (3)
Metro Cash&Carry hiện có khoảng 20 siêu thị tại Việt Nam
 
Theo các doanh nghiệp, dù bị rơi khỏi Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, nhưng Việt Nam vẫn được coi là thị trường tiềm năng để các nhà đầu tư khai thác nhờ quy mô và số lượng người tiêu dùng. Không những thế, kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam mới chỉ chiếm 25% thị phần, vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan 34%; Trung Quốc 51%, Malaysia 60%, Singapore 90%... Vì vậy cơ hội khai thác thị trường còn rất lớn.
 
Theo dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ lên 45%. Còn theo quy hoạch của Bộ Công Thương, tới thời điểm đó, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, tăng gần 650 điểm so với năm 2011. Số trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm cũng tăng lần lượt lên 180 và 157 điểm. Cơ hội vẫn giành cho tất cả các doanh nghiệp bán lẻ, nhưng "cuộc chiến" sẽ vô cùng khốc liệt.