Bình chứa cao áp thường được sử dụng trong máy lạnh công nghiệp còn máy lạnh dân dụng và máy lạnh trung tâm hầu như không sử dụng. Vậy tại sao máy lạnh dân dụng và máy lạnh trung tâm không có bình chứa cao áp? Bình chứa cao áp có chức năng gì? Cấu tạo và nguyên lý hoạt động ra sao? Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ cho các bạn những kiến thức cơ bản trên.

Đầu tiên thì ta phân tích tại sao máy lạnh công nghiệp lại cần có bình chứa cao áp. Máy lạnh công nghiệp có cấu tạo đơn giản bao gồm những bộ phận và thiết bị như sau: dàn nóng, dàn lạnh, máy nén, van tiết lưu cố định, bình tách lỏng, bình chứa cao áp, cảm biến áp suất thấp và cảm biến áp suất cao. Chính vì cấu tạo đơn giản nên quá trình hoạt động đảm bảo gas lỏng trước khi qua van tiết lưu phải là thể lỏng 100%. Van tiết lưu công nghiệp không thể điều chỉnh được do trong công nghiệp thường máy lạnh hoạt động 24/24h và khống chế việc bật/tắt bằng cảm biến nhiệt độ. Cảm biến nhiệt độ này nhận tín hiệu, sau đó chuyển tín hiệu này thành dòng điện tác động vào relay để relay tác động vào khởi động từ => kích quạt dàn nóng, quạt dàn lạnh và máy nén hoạt động.

Trong công nghiệp, bình chứa cao áp theo đường gas lỏng thì nằm sau dàn nóng và trước van tiết lưu. Bình chứa này có hình dạng tròn dài và được dựng đứng để chứa thể lỏng bên dưới thể hơi bên trên.

Bình chứa cao áp có cấu tạo gồm những phần cơ bản như sau: bình chứa chịu áp lực cao, đường vào cho gas lỏng lẫn hơi,đường ra của gas lỏng.

– Bình chứa chịu áp lực cao, bình này phải đảm bảo chịu được áp suất lớn hơn áp suất đầu đẩy máy nén.

– Đường vào bình chứa cao áp, gas lỏng và hơi từ dàn nóng vào bình chứa thông qua đường vào ở phía trên.

– Đường ra của gas lỏng, khi gas ra khỏi bình chứa cao áp phải đảm bảo lỏng 100% nên đường ra được đặt phía dưới đáy bình nhưng cách đáy bình một khoảng để không hút các mạt sắt, mạt đồng hay cặn trong hệ thống vào.

Nguyên lý hoạt động và chức năng của bình cao áp:

– Nguyên lý hoạt động: gas từ máy nén dạng hơi (hơi quá nhiệt) với nhiệt độ và áp suất cao được giải nhiệt ở dàn nóng, tại dàn nóng gas từ thể hơi sẽ chuyển sang thể lỏng (do gas nhả nhiệt cho môi trường). Khi gas tuần hoàn đến van tiết lưu thì không thể là lỏng 100% được do công suất giải nhiệt, do thời tiết, do dàn nóng bị dơ, bị bám bụi nên cần có thiết bị để chứa lỏng nhằm đảm bảo lỏng 100% khi đến van tiết lưu chính vì thế bình chứa cao áp được đưa vào.

Tại sao cần 100% lỏng qua van tiết lưu? Van tiết lưu có nhiệm vụ giảm áp suất từ áp cao về áp thấp và chỉ có dụng với gas ở trạng thái lỏng chính vì thế van tiết lưu sẽ không có tác dụng nếu tiết lưu gas ở thể hơi hoặc thể lỏng có lẫn hơi.

– Chức năng của bình chứa cao áp: bình chứa cao áp có chức năng chính là đảm bảo lỏng 100% trước khi vào van tiết lưu. Ngoài chức năng trên thì bình chứa cao áp còn là nơi chứa gas lỏng để giảm chi phí khi thực hiện quá trình di dời dàn nóng, dàn lạnh, thay van tiết lưu. Việc thu hồi gas lạnh là rất cần thiết để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường nên việc có bình chứa cao áp là điều tất yếu.

Mặc dù bình chứa cao áp đảm bảo lỏng 100% đến van tiết lưu nhưng có một số trường hợp vẫn phải thận trọng. Trường hợp dàn nóng quá dơ, khi môi chất lạnh không thể trao đổi nhiệt được với không khí nhờ chức năng giải nhiệt của dàn nóng thì cho dù có bình chứa cao áp đi nữa thì lúc này hơi không ngưng tụ được làm cho toàn bộ thể tích trong bình chứa cao áp là hơi => Van tiết lưu không tiết lưu hơi mà cho qua trực tiếp dẫn đến toàn hệ thống bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, làm giảm công suất lạnh rất nhiều và thậm chí làm chết máy nén.

Trong máy lạnh dân dụng và máy lạnh trung tâm thì bình chứa cao áp hầu như không sử dụng bởi vì van tiết lưu sử dụng có thể điều chỉnh được, van tiết lưu sử dụng thường là van tiết lưu điện từ nên việc điều chỉnh công suất cực kỳ đơn giản. Khi dàn nóng giải nhiệt không tốt thì hệ thống điều khiển (dựa vào tín hiệu nhiệt độ) sẽ xử lý và tác động vào van tiết lưu làm cho van tiết lưu điều chỉnh theo công suất giải nhiệt dàn nóng chính vì thế lúc nào cũng đảm bảo gas lỏng 100% qua van tiết lưu.

Để giải quyết vấn đề đó thì cần bảo trì (vệ sinh) dàn nóng định kỳ, thông thường dàn nóng có thời gian bảo trì lâu hơn so với dàn lạnh. Dàn lạnh thường bảo trì 2-3 tháng/lần thì dàn nóng 6-10 tháng/lần.

Thông tin liên hệ: 

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ KỸ THUẬT ĐIỆN LẠNH KT

Địa chỉ: 455 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10. TP Hồ Chí Minh 
Điện thoại: 0978062901 
Email: nttung@ktecvn.com