Panel kho lạnh được lắp đặt trên các con lươn thông gió. Các con lươn thông gió được xây bằng bêtông hoặc gạch thẻ, cao khoảng 100÷200mm đảm bảo thông gió tốt tránh đóng băng làm hỏng panel. Bề mặt các con lươn dốc về hai phía 2% để tránh đọng nước.
So với panel trần và tường, panel nền do phải chịu tải trọng lớn nên sử dụng loại có mật độ cao hơn, khả năng chịu nén tốt. Các tấm panel nền được xếp vuông góc với các con lươn thông gió, khoảng cách hợp lý giữa các con lươn khoảng 300÷500mm.

Các tấm panel được liên kết với nhau bằng các móc khóa gọi là cam-locking đã được lắp sẵn trong panel vì thế lắp nhanh và chắc chắn.
Panel trần được gối lên các tấm panel tường đối diện nhau và có khung treo đỡ panel giúp panel không bị võng.
Sau khi lắp đặt xong các khe hở giữa các tấm panel được làm kín bằng cách phun silicol hoặc sealant.
Để cân bằng áp giữa bên trong và bên ngoài kho người ta gắn các van thông áp.
Cửa kho lạnh có trang bị bộ chốt chống nhốt người bên trong, còi báo động, bộ điện trở sấy chống đóng băng.

Do khả năng chịu tải trọng của panel không lớn nên các dàn lạnh được treo trên bộ giá đỡ và được treo giằng lên xà nhà nhờ hệ thống tăng đơ, dây cáp.
3. Lắp đặt dàn ngưng tụ ống chùm vỏ bọc nằm ngang:
Khi lắp đặt thiết bị ngưng tụ cần lưu ý đến vấn đề giải nhiệt của thiết bị, ảnh hưởng của thiết bị ngưng tụ đến xung quanh, khả năng thoát môi chất lỏng về bình chứa để giải phóng bề mặt trao đổi nhiệt.
– Để môi chất lạnh sau khi ngưng tụ có thể tự chảy về bình chứa cao áp, thiết bị ngưng tụ thường được lắp đặt trên cao ngay trên bình chứa cao áp thành một cụm gọi là condensing unit.
– Vị trí lắp đặt thiết bị ngưng tụ cần thoáng mát cho phép dễ dàng thoát được nhiệt ra môi trường xung quanh, không gây ảnh hưởng đến con người và quá trình sản xuất.
– Khi lắp đặt cần lưu ý để dành các khoảng hở ở hai đầu bình để có thể vệ sinh bình trong thời kỳ bảo dưỡng. Các đoạn đường ống nước giải nhiệt vào ra bình dễ dàng tháo dễ khi vệ sinh.